Tôi học được tinh thần luôn chủ động, chiến đấu, tìm ra lập luận có sức thuyết phục để giải quyết vấn đề, từ người thầy đặc biệt - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
51 năm trôi qua kể từ khi bén duyên với ngành ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi - nguyên Vụ trưởng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO, Đại sứ tại Áo và Canada - vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về vị lãnh đạo, cũng là người truyền cho bà ngọn lửa đam mê, chiến đấu, khát khao bảo vệ lợi ích quốc gia.
Bà Hồi kể, bà đến với ngành ngoại giao bằng công việc đầu tiên tại phòng phiên dịch (1970-1976). Từ năm 1976-1978, bà được cử đi học nâng cao ở Australia, là một trong những cán bộ đầu tiên sang học tập ở một nước tư bản.
Về nước cuối năm 1978, bà nhận công tác tại Vụ Các tổ chức quốc tế. Nữ Đại sứ chia sẻ về một thời khắc lịch sử: Cuộc họp báo của ông Nguyễn Cơ Thạch vào buổi chiều ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra.
"Trước đó, tôi được phân công đi phiên dịch cho một nữ nghị sĩ Mỹ lên Lạng Sơn. Ban đầu bà nghị sĩ không tin khả năng Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Khi lên đến biên giới, bà đã công nhận sự việc và đi về luôn. Sáng sớm hôm sau, quân Trung Quốc tấn công ồ ạt dọc tuyến biên giới nước ta.
Cuộc họp báo của ông Nguyễn Cơ Thạch diễn ra lúc 5h chiều tại Câu lạc bộ quốc tế của Bộ Ngoại giao và tôi được điều động phiên dịch. Một phóng viên đứng khá xa hỏi: ‘Đây là xung đột biên giới hay cuộc xâm lược của Trung Quốc?’. Ông Nguyễn Cơ Thạch mạnh mẽ khẳng định, đây là cuộc xâm lược khi Trung Quốc đã tiến xa và sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Tôi nhớ mãi cuộc họp báo đi vào lịch sử ấy, cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ, cả hội trường đầy kín người, tất cả đều đứng”.
Nữ Đại sứ nhớ lại, đầu thập niên 1980, mặc dù chính quyền mới của Campuchia đã được thành lập nhưng tại LHQ và các diễn đàn quốc tế, đại diện của Pol Pot vẫn được giữ ghế.
Năm 1982, hội nghị Dân số và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên do ESCAP (Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á và Thái Bình Dương của LHQ) tổ chức diễn ra ở Sri Lanka, bà Nguyễn Thị Hồi là 1 trong 2 người của Việt Nam tham dự. Như thường lệ, đoàn đại diện của chính quyền Pol Pot lên tiếng phản đối Việt Nam, Trung Quốc phát biểu thêm vào và sau đó đến phiên Việt Nam.
Do hết giờ, phần phát biểu của đoàn Việt Nam bị đẩy sang hôm sau. Nhiều đoàn tỏ ra rất ái ngại vì phiên họp chỉ có một mình bà Hồi (người còn lại dự phiên họp khác). Nữ Đại sứ khi ấy 33 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, bước lên bục phát biểu trong tà áo dài màu xanh, đanh thép nêu rõ quan điểm lập trường của Việt Nam,
"Đó là một phiên họp về dân số, nên tôi đã phát biểu rằng: Pol Pot đã làm được gì? Không có gì khác ngoài việc giết hại gần 2 triệu người của chính dân tộc mình. Chính vì vậy, họ không có bất kỳ tư cách gì để nói về dân số chứ chưa nói đến chính sách dân số”.
Nói tới đây, bà bất giác đập tay đánh rầm xuống bàn khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Đoàn đại diện chính quyền Pol Pot ngồi im lặng. Kết thúc phiên họp, trưởng đoàn Malaysia đến bên bà và nói: Cô dũng cảm lắm.
Chia sẻ kỷ niệm này, bà nói giản dị: "Không chỉ mình tôi, tất cả các chiến sĩ ngoại giao của ta giai đoạn đó đều phải chiến đấu như thế”.
“Trong mọi cuộc đấu trí suốt 1 thập niên chống bao vây, cấm vận, chúng tôi học được nhiều điều ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - người có tầm nhìn và chiến lược, nhìn ra vấn đề, đề ra ý tưởng rồi hiện thực hóa ý tưởng. Ông trở thành người truyền lửa chiến đấu. Tôi cũng như nhiều người khác dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của ông đã trở thành chiến binh, chiến đấu bảo vệ lợi ích quốc gia trên mọi diễn đàn.
Khi ấy, với thế hệ chúng tôi, sự đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, sự dấn thân là chuyện đương nhiên.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch dạy chúng tôi cách lập luận vấn đề, dùng lập luận để bảo vệ lập trường chính đáng của mình. Bởi luôn có lập luận xác đáng mà ông có thể trả lời mọi câu hỏi hóc búa của cánh báo chí dù là phương Tây hay phương Đông. Chúng tôi hiểu rõ và học được từ ông rằng, muốn có lập luận xác đáng, phải chịu khó học hỏi, để hiểu mình, hiểu người, biết rõ điểm mạnh yếu mỗi bên.
Bài học đầu tiên ông dạy tôi là không được bỏ cuộc, luôn tìm ra giải pháp tối ưu trong bất kỳ tình huống nào. Chúng tôi luôn phải ‘trình’ ông 3 phương án: Phương án tối ưu, phương án trung bình và phương án ít xấu nhất. Những điều này đã thấm vào máu tôi, để trong suốt quá trình làm việc, trải qua nhiều cương vị từ cán bộ, tới tập sự cấp vụ hay đại sứ, tôi luôn cố gắng tìm ra giải pháp trước mọi vấn đề”, nữ Đại sứ chia sẻ.
Chính nhờ những bài học này từ "người thầy" đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hồi đã tạo được dấu ấn quan trọng khi đảm nhận trọng trách Đại sứ Việt Nam tại Canada (2002-2006).
Những lập luận sắc bén, nhân văn của bà cộng với sự giúp đỡ của một doanh nhân Việt kiều đặc biệt đã giúp Việt Nam giành được lá phiếu ủng hộ của Canada (sự ủng hộ đầu tiên của nhóm G7) trong tiến trình gia nhập WTO.
Nữ Đại sứ cũng là người tổ chức thành công chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Canada năm 2005. Vào thời điểm đó, việc nhìn thấy một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trên lãnh thổ của nước tư bản phát triển là điều hiếm thấy, huống chi là 2.000 lá cờ đỏ sao vàng được cắm xen kẽ với cờ của Canada dọc tuyến đường đón Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm.
Đến giờ, bà vẫn nhớ như in cảm giác cảm động đến rơi nước mắt khi nhìn thấy cờ Việt Nam rực đỏ trên đường phố Canada. Thủ tướng Phan Văn Khải gặp bà đã nói rằng: “Đại sứ Hồi 'hung' quá!”. Từ đó, bà có biệt danh là “Hồi hung”...
Huy Hùng
* Kỳ tới: ‘Người đàn bà thép’ ngành ngoại giao
Bài 1: Tượng đài trong trái tim nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Với nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “tượng đài” trong trái tim, là người thầy ông trân quý và noi gương suốt cuộc đời mình.
from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/3ckJdTW
via IFTTT
0 comments:
Post a Comment