Hội nghị Trung ương 6 đảng Cộng sản Trung Quốc (8-11/11) tiếp tục ổn định nền nội trị bằng cách nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc thông qua tiếp cận “thơ ca hoá” lịch sử, hiện tại và tương lai.
Trung Quốc đang phải đối mặt với môi trường an ninh quốc tế đầy thách thức và rủi ro. Phần vì sự trỗi dậy ngoạn mục mà nước này đạt được trong những thập kỷ qua đã hình thành nỗi lo sợ về sự đe dọa đối với vị trí của Mỹ và các nước đồng minh, phần vì chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán và thực dụng thể hiện qua các chiến lược “ngoại giao chiến lang”, “ngoại giao bẫy nợ”, “ngoại giao vắc xin” và sáng kiến “Vành đai con đường” với tham vọng định hình lại trật tự địa chính trị quốc tế.
Bộ Chính trị Trung Quốc do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu chủ trì hội nghị TƯ lần 6 hôm 11/11. Ảnh: Xinhua |
Tất cả những điều này gây nên nỗi bất an chung cho phần còn lại của thế giới. Song song với đó, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ngày nay không còn là mạch nước ngầm âm ỉ chảy trong suốt thời kỳ “trăm năm quốc nhục” như trước nữa.
Dường như nó đang chuyển mình thành dòng thác lũ dưới chính sách kích hoạt chủ nghĩa dân tộc nhằm đảm bảo tính chính danh và sự bền vững của chính quyền hiện tại do ông Tập Cận Bình lãnh đạo, kèm theo thành tích đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua.
Nghị quyết lịch sử
Với tư duy quản trị truyền thống từ hàng nghìn năm lịch sử “yên ổn bên trong, dẹp loạn bên ngoài”, hội nghị Trung ương 6 ĐCS Trung Quốc vừa qua tiếp tục ổn định nền nội trị bằng cách nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc thông qua tiếp cận “thơ ca hoá” lịch sử, hiện tại và tương lai.
Hội nghị đã thông qua nghị quyết lịch sử lần 3 với tiêu đề “nghị quyết của Trung ương về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm đấu tranh của đảng”. Trong quá trình phát triển 100 năm của ĐCS Trung Quốc, mới có 2 nghị quyết lịch sử, lần đầu vào năm 1945, thời Mao Trạch Đông và lần sau vào năm 1981, thời Đặng Tiểu Bình.
Khác với tiêu đề “một số vấn đề” của 2 nghị quyết trước, nghị quyết lịch sử năm 2021 chỉ đề cập đến “thành tựu và kinh nghiệm”, đồng thời không công khai giải quyết các tranh cãi trong quá khứ như 2 nghị quyết trước.
Thông cáo hội nghị nhận định, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã “đạt được những thành tựu lịch sử và trải qua bước chuyển mình lịch sử”, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn và hoàn thành những điều lớn lao từ lâu muốn làm nhưng chưa làm được.
Thông cáo dành nhiều lời khen ngợi cho những tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được, như phát triển kinh tế, kiềm chế Covid-19, hiện đại hóa quân đội, định hình lại hệ tư tưởng và nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu…
Tuy vậy, văn bản này không đề cập đến bất kỳ thách thức phức tạp nào mà Trung Quốc phải đối mặt.
Hội nghị khẳng định rằng nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng “toàn diện, cân bằng và bền vững”, nhưng hiện tại Trung Quốc đang dựa nhiều vào việc bơm vốn nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản để nâng mức tăng trưởng GDP. Cách tiếp cận này đã tạo ra các khoản nợ chưa từng có ở tất cả các cấp chính quyền, đồng thời cũng góp phần khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh những khoản nợ lớn.
Trong quý 3, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, dự đoán tình hình sẽ tồi tệ hơn trong 3 tháng cuối năm. Trong khi chính quyền tuyên bố hoàn thành xóa nghèo tuyệt đối thì có tới 600 triệu dân đại lục vẫn sống với mức thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ/tháng.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, chiến dịch chống độc quyền nhằm vào các gã khổng lồ Internet và chính sách thắt chặt các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản. Các vấn đề về thiếu hụt năng lượng đã khiến chính phủ phải tăng cường sử dụng than, điều này đi ngược lại với những tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh về chống ô nhiễm.
Về đối ngoại, Bắc Kinh cũng đang rơi vào vị trí khá cô lập trên trường quốc tế sau hàng loạt hành động và ứng xử với các vấn đề, trong đó có Biển Đông.
Nhà lãnh đạo lịch sử
Việc “thơ ca hoá” lịch sử và tương lai như đề cập ở trên là nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, liên quan đến yêu cầu tăng cường tính hợp pháp của ĐCS Trung Quốc, ổn định nền nội trị để đối phó với môi trường an ninh đầy khó khăn hiện nay.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Insidestory |
Với mục tiêu ổn định chính trị trong nước, hội nghị Trung ương 6 ĐCS Trung Quốc còn cần phải tăng cường quyền lực cho nhà lãnh đạo tối cao là ông Tập Cận Bình và hợp thức hoá nhiệm kỳ thứ ba của ông tại đại hội 20, trong bối cảnh danh sách đối lập của ông ngày càng dày lên sau cuộc chống tham nhũng quyết liệt suốt gần 1 thập kỷ.
Thông cáo hội nghị đã vẽ nên hình ảnh ông Tập như nhà lãnh đạo lịch sử, anh hùng trên con đường đưa Trung Quốc đến vinh quang. Thông cáo nêu rõ: “Ban chấp hành Trung ương đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân thuộc tất cả các dân tộc đoàn kết hơn nữa, tập trung xung quanh Ban chấp hành Trung ương do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân, phát huy đầy đủ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Trong khi các học thuyết của 2 nhà lãnh đạo tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào được nhắc đến hết sức mờ nhạt, thì nghị quyết hội nghị đã đưa vị trí “tư tưởng Tập Cận Bình” lên ngang tầm với “tư tưởng Mao Trạch Đông” và “lý luận Đặng Tiểu Bình”.
Trong 2 nhiệm kỳ của mình, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc đánh bại đối thủ, dập tắt bất đồng chính kiến, đưa học thuyết của ông - tư tưởng Tập Cận Bình vào trường học.
Tham vọng của ông là định hình lại xã hội Trung Quốc. Nghị quyết lịch sử giúp viết lại quá khứ để định hình một tương lai xung quanh ông Tập, “thời đại mới” chính là thời đại lấy ông Tập làm trung tâm, và khẳng định điều này có ý nghĩa quyết định đối với tương lai Trung Quốc.
“Tư tưởng Tập Cận Bình” là một công cụ có thể sử dụng một cách linh hoạt để hợp pháp hoá mọi đường lối chính trị mà ông cho là cần thiết trong tương lai. Cũng vì lý do đó, ông Tập cần tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm nữa để biến những mục tiêu chính trị này thành hiện thực.
Cùng với việc cơ quan lập pháp Trung Quốc xoá bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước vào năm 2018, hội nghị Trung ương 6 chính là tấm thảm đỏ để ông Tập có thể tiếp tục giữ vị trí tối cao trong đảng, nhà nước và quân đội vào mùa thu năm sau.
TS Hoàng Huệ Anh(Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
* Kỳ tới: Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình
Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 20
Còn hơn một năm nữa là đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có nhiều dự đoán về việc bố trí nhân sự cấp cao, đặc biệt là trong Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này.
from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/30N5Uxn
via IFTTT
0 comments:
Post a Comment