Nước mắt mồ côi do đại dịch Covid-19

Tôi không định viết về từng gia cảnh đau buồn mỗi lần đi thăm các cháu mồ côi do Covid vì kể sao cho hết. Nhưng, có những câu chuyện cứ trĩu nặng trong lòng...

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch sẽ diễn ra tối nay. Tôi viết những dòng này với mong muốn sẻ chia, làm dịu bớt nỗi đau của những người còn sống, nhất là những cháu bé mồ côi, để góp phần rút ra bài học cho chặng đường chống dịch tới đây. 

Nước mắt ở tầng sâu

Tôi không định viết báo về từng gia cảnh đau buồn mỗi lần đi thăm các cháu mồ côi vì Covid vì kể sao cho hết. Nhưng, có những câu chuyện cứ trĩu nặng trong lòng, không thể không nói ra như một cách sẻ chia cùng mọi người, cho vơi nỗi khổ của những người “tận khổ” mình gặp, và cũng để người Sài Gòn, người Việt mình thương nhau hơn, càng muốn gìn giữ cuộc sống cho nhau hơn.

Nhà của cháu Thanh Nhã, học sinh lớp 11 trường THPT Lê Minh Xuân ở xã Phạm văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM là một tiệm bán vật liệu xây dựng. Căn nhà rộng, hơi tuềnh toàng, đang làm nơi bán, chứa hàng và cũng là nhà ở luôn. Mới nhìn cảnh vắng vẻ cũng khá giống những nơi tôi đã gặp. Mất người vợ đảm đang, ông chồng buồn lặng như không muốn nói chuyện và cô con gái 17 tuổi đột ngột mất mẹ thì đến giờ vẫn ngơ ngác, câm lặng.

Cho đến khi thắp nhang, tôi bị hút vào đôi mắt buồn của người phụ nữ trung niên trong di ảnh. Đôi mắt người ra đi nói rất nhiều điều. Bạn cùng đi với tôi bỗng nói nhỏ điều bạn ấy phát hiện, trên bàn thờ có tới hai hũ cốt xếp cạnh nhau, trong góc sâu, một hũ lớn và một hũ nhỏ.

{keywords}
Lễ cầu siêu cho nạn nhân Covid-19 sáng 18/11 tại TP.HCM

Hỏi người chồng mới biết, đứa con chưa sinh trong bụng vợ anh đã chết lưu, được bệnh viện lấy ra trước để cứu người mẹ khi ấy đã quá yếu, nhưng 3 ngày sau đó, người mẹ cũng ra đi. Ba ngày khốc liệt, đau đớn, hi vọng và tuyệt vọng.

Người chồng nói ngắt quãng, tôi nhận tin vợ tôi cũng mất, thật là không biết nói sao nữa. Về đứa con út chưa kịp sinh ra, khi con gái đầu của hai anh chị đã 17, anh kể: Vợ chồng tôi có 3 cháu, cháu lớn là Thanh Nhã, cháu kế 13 tuổi, nay đã xuất gia, là chú tiểu rồi, chúng tôi đã gọi là chú. Nhà vắng, tôi và vợ định sinh thêm một cháu út. Vợ tôi khỏe mạnh bình thường, hay đi chùa làm phước và rất chăm việc tu.

Thường đi chùa cùng mẹ, cậu con trai thấy thích giáo lý nhà Phật, dần dần xin xuất gia luôn. Gần đây, sau khi mẹ mất, “chú” thường về nhà, vừa học tiếp online vừa chăm sóc nhang khói và tối tối, chúng tôi lại ngồi tụng kinh cầu siêu cho người đã mất.

Và anh thấp giọng: “Nhà bây giờ buồn lắm cô ơi, trước đây tuy nhà thuê, không đủ tiện nghi, làm ăn cực lắm nhưng lúc nào cũng vui. Vợ thì hiền, con thì học giỏi nên tôi thấy cuộc sống hạnh phúc lắm, giờ thì... Bốn người, mẹ vợ, tôi, cháu Nhã và chú tiểu, tối nào cũng đều ngồi tụng kinh cầu siêu cho 2 mẹ con. Chú ở đây mấy ngày trong tuần, cuối tuần, trường nghỉ học, chú về chùa, rồi tối chủ nhật lại quay về nhà".

Khi tôi thăm hỏi bà ngoại Thanh Nhã, từ đầu bà ngồi tách ra đằng xa sau nhà như tránh khách. Bà kể, tôi quê ở Cà Mau, nhà cũng khó khăn nên lên đây sống. Lâu nay tôi ở đây với vợ chồng con gái lớn nhất, ban ngày tôi cũng đi làm phụ giúp việc nhà quanh xóm, tối mới về. 

Con gái tôi mất vì Covid, nó hiền lắm, ngoài việc nội trợ trong nhà nó thường đi chùa, rất siêng năng nấu cơm từ thiện, luôn phát tâm làm phước. Thằng rể tôi , tôi thương còn hơn con gái, nó hiền, không rượu chè cờ bạc gì hết, chỉ lo làm ăn, thương vợ con hết lòng. Rủi là vợ nó vắn số quá. “Bây giờ tôi thay vợ nó, lo cơm nước hàng ngày, mà cả nhà có mấy ai muốn ăn cơm đâu”, bà nói thầm thì...

Nước mắt người già và câu chuyện thật là không thể buồn hơn. Nhưng trong sâu thẳm cõi lòng, người mẹ vợ đó, tôi thấy bà rất an tâm về tình thương của con rể dành cho vợ và cháu ngoại. Mọi người rất yêu quí người ra đi và họ trân trọng, thương quí nhau. Hạnh phúc của gia đình này là tình thương họ dành cho nhau và cùng dồn tình thương cầu mong cho người ra đi sớm siêu thoát.

Tôi đã từng ngồi tụng bài vãng sanh như vậy, không phải hàng đêm, mà cứ nghĩ đến tiếng mõ nhịp đều trong tiếng lẩm nhẩm cầu kinh đêm đêm đó, thật là đau buồn đến buốt lòng. Mong cho người ra đi siêu thoát mà lòng người ở lại đau biết bao nhiêu? Hi vọng thời gian sẽ giúp ngấn nước mắt lưng tròng của người chồng dần khô và mọi người ở lại tìm lại được sự bình tâm trong tình thương bên nhau, như mong muốn thiết tha của người trong di ảnh...

{keywords}
Tro cốt người mất vì Covid-19 ở TP.HCM được đưa về từng gia đình. Ảnh: Thanh Tùng

42 thân phận, thấm từng nỗi đau

Chiều muộn, chúng tôi đến thăm cháu Lê Nguyễn Tấn Quốc ở phường 10, quận 8. Tôi nhìn kỹ ngôi nhà. Tường cao, chiều ngang rộng hơn bình thường do 2 căn ghép lại. Sân chất đầy xe gắn máy. Có gác lửng và một lầu.

Mẹ của Tấn Quốc ẵm một em bé chưa 2 tuổi, nói một câu, giọng bình thản mà chúng tôi giật mình: Nhà này có 38 người ở, 4 thế hệ, ban ngày tản ra chiều mới về. Dịch Covid, chết 3 người, ông cố, ông cậu và ba của Quốc. Quốc lặng lẽ, hỏi mấy lần mới nói rất dè dặt về ba.

Mẹ của Tấn Quốc kể: Hầu hết người trong nhà làm nghề tay chân, gia công các món hàng, như chị làm dán bao bì. Mấy năm trước, chồng chị cũng làm thợ, nhà nghèo. Hai năm gần dây, chạy xe taxi công nghệ, khá hơn chút chút. Anh ấy nói, thôi sinh thêm một đứa nữa, cho nó có anh có em nên Quốc 14 rồi tôi mới sinh con , vậy mà cháu chưa được 2 tuổi thì... ảnh đi. 

Cũng chiều qua, tôi phải “đồng lõa” một cuộc nói dối. Thông tin từ cơ quan quận 8, tôi đọc lại lần nữa khi đang trò chuyện với cháu T. K. P, ba cháu mất hôm 30/7 còn mẹ cháu đã mất tháng 8, nhưng đến nay gia đình chưa cho cháu biết. Người em ruột của mẹ cháu đang ở Phan Rang yêu cầu giữ kín tin mẹ cháu mất để cháu an tâm học, cho đến giữa tháng 11, người cậu sẽ vào rồi gia đình mới cho cháu hay.

Tôi vừa đọc đến đó, nghe cháu nói, dạ ba con mất con hụt hẫng lắm, nhưng hai anh em con còn hi vọng mẹ sẽ về... Tôi úp lập tức trang thông tin đang cầm, bỗng nghẹn, một lát, tôi cố giữ bình tĩnh nói với K.P, con cố gắng học, chắc mai mốt cậu con vô thôi, mẹ biết tin con chăm học là mẹ vui, cậu sắp vào với hai anh em rồi, ráng nha con...

Ánh mắt K.P lóe lên niềm vui: “Dạ con mong mẹ khỏe sớm, ra viện để cả nhà cùng về thăm ngoại”.

Cô bé T.H.C mới 16 mà cao lớn như vận động viên. Tướng chắc nịch mà nói tới câu thứ hai, C. khóc ròng: “Nhà con tới 7 người chết vì Covid đó cô. Ông ngoại con mất trước, 1h trưa, rồi 3 giờ đêm hôm sau, bà ngoại con đi theo.

Bên nội cũng thê thảm lắm, bác Hai con đang chạy thận mất đầu tiên, đến bác Tư bị bệnh thần kinh mất tiếp, nhưng bác Ba khỏe lắm, làm tổ trưởng dân phố, không có bệnh nền gì hết, bác chạy lo cho nhiều người F0 trong tổ nên cũng bị lây rồi đi luôn. 

Mợ con hơi lớn tuổi không hiểu buồn vì ông bà ngoại không mà bị tai biến, cũng ra đi. Ba con đi sau cùng, hôm 23/8. Ngày đó, ở bệnh viện, ba còn nhắn tin hỏi anh Hai con là con có đậu vô lớp 10 không? Anh Hai con nói dạ đậu. Thật ra là con bị rớt. Rồi ngay ngày hôm sau 24/8 ba con mất rất bất ngờ. Con khóc nhiều vì hai anh em lỡ nói dối, định khi bệnh ba khá khá hơn thì thú thật mà... không kịp nữa. Tháng đó nhà con người già chết nhiều quá. Bây giờ chắc ba con biết hai anh em nói dối rồi, con nhiều lần thầm xin lỗi ba và đành ráng học cho ba bớt buồn...”.

42 cháu học sinh cấp 3 mồ côi mà chúng tôi gặp chiều qua là số bổ sung sau lần đi thăm thứ nhất, lại là con số quá lớn, quá đau thương. Ủy ban Mặt trận quận 8 đề nghị phát quà và tiền hỗ trợ cùng lúc chứ đi thăm từng cháu chắc không xuể. Chúng tôi đồng ý và chiều chủ nhật, 3 người trong ban giám đốc cùng một bạn trong BSA media cùng đi, chia nhau mỗi người nói chuyện riêng với 10 cháu rồi sau đó đến thăm nhà 2 cháu khó khăn nhất. Dù khó khăn mấy chúng tôi muốn nghe và gặp riêng từng cháu để xem có cháu nào cần và chúng tôi có thể giúp lâu dài hơn lần này.

Đến hôm nay, gần 30 cháu được dự định là sẽ giúp tiếp tục. Chừng ấy là không nhiều trong số hơn 2.000 học sinh mồ côi cả 3 cấp. Nhưng chuyện của cháu nào cũng quá buồn. Và chiều hôm qua, hơn 40 cuộc gặp từng cháu, có một điều thêm rõ, người già chết nhiều quá, nhiều nhất vào tháng 8/2021.

Vũ Kim Hạnh

'Thưa thầy em là F0' và tâm sự rưng rưng của giảng viên online

'Thưa thầy em là F0' và tâm sự rưng rưng của giảng viên online

Trải qua kỳ thi nơi tâm dịch, các em đã cho thầy thêm sức mạnh để không nản chí trước những gian khó của cuộc đời.



from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/30AYzRB
via IFTTT
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment