Nếu tô đậm thành tích mà thiếu đi cảnh báo về các rủi ro vĩ mô, ít nhất trước mắt, thì vô hình trung chúng ta bị “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như Tổng bí thư từng cảnh báo.
Các báo cáo chính thức gần đây, chẳng hạn như của Tổng cục Thống kê, thường nhấn mạnh một ý chung: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm.
Phải khẳng định rằng, giữ được ổn định vĩ mô, lạm phát thấp trong bối cảnh 23 tỉnh, thành phố thực hiện phong tỏa trong suốt khoảng thời gian của quý 3 năm nay với nền kinh tế mở bậc nhất thế giới như Việt Nam - vốn chịu tác động nhanh và trực tiếp của kinh tế thế giới - là một thành tích.
Song nếu tô đậm thành tích mà thiếu đi những cảnh báo về các rủi ro vĩ mô, ít nhất trước mắt, thì vô hình trung chúng ta bị “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo trước đây. Phát biểu của Tổng bí thư "Tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức" luôn đúng, ngay với thời điểm này.
Lạm phát thấp không nên mừng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 11 tháng năm nay, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, “mức tăng thấp nhất” kể từ 2016.
Với nền kinh tế mở như Việt Nam, lạm phát thấp là tín hiệu xấu, không nên mừng, nhất là CPI lại tăng với “mức tăng thấp nhất” trong 5 năm qua. CPI chỉ tăng 1,84%, thấp xa so với “chỉ tiêu” 4% của Quốc hội là tín hiệu đáng lo.
Chưa bao giờ có tình trạng sức mua giảm sâu, liên tục như mấy tháng qua |
Lý do là cả tổng cầu và tổng cung trong nền kinh tế đều giảm sâu, hay nói cách khác, lạm phát thấp do nền kinh tế suy yếu gây ra. Lạm phát thấp trong trong bối cảnh rất bất thường, các chuỗi cung ứng đứt gãy, sản xuất và lưu thông đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn dưới tác động tiêu cực của phòng, chống đại dịch Covid-19, chứ không phải thấp trong điều kiện kinh tế bình thường.
Chẳng hạn, chưa bao giờ có tình trạng sức mua giảm sâu, liên tục như mấy tháng qua. Tháng 7 giảm 19,8%; tháng 8 giảm 31,3%; tháng 9 giảm 28,4%; tháng 10 giảm 19,5%; tháng 11 giảm 12,2% , đều so cùng kỳ. Đây là điều chưa từng có với nước ta vì sức mua luôn tăng 9-10% trong điều kiện bình thường.
Hơn nữa, chưa bao giờ có tình trạng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế chậm như vừa rồi, vòng quay của cung tiền giảm mạnh (trước đây khoảng 2 lần, trong năm nay chỉ khoảng 1 lần). Đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI… đều giảm.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới mà nước ta có quan hệ làm ăn mật thiết đã bắt đầu đối mặt với lạm phát. Lạm phát của Mỹ tăng cao kỷ lục tới 6,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ, tiếp tục giữ mặt bằng cao từ tháng 6 trở lại đây. Tỷ lệ lạm phát của khu vực EU được dự báo sẽ đạt đỉnh 2,6% năm nay trước khi giảm nhẹ vào năm 2022.
Diễn biến lạm phát cũng như giá cả nguyên, nhiên vật liệt, logistics... tăng cao trên thế giới là yếu tố đáng lo ngại, tác động trực tiếp, tiêu cực đến giá cả trong nước. Hay nói cách khác, nếu chúng ta không nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, làm cho giá cả đầu vào tăng, chi phí đẩy, thì lạm phát của Việt Nam có thể ở mức âm.
Áp lực chưa từng có
Trước tình thế đó, tới đây, khi kinh tế trong nước phục hồi, tổng cung và tổng cầu tăng lên, cộng với lạm phát nhập khẩu từ bên ngoài… thì lạm phát của nước ta sẽ có nguy cơ bùng lên trong tương lai gần.
Ở góc độ khác, tốc độ tăng trưởng quý 3 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Một số chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP năm nay chỉ khoảng 1,5-2%, thấp hơn mức 2,91% năm ngoái. Chưa bao giờ Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế thấp như vậy và lại kéo dài 2 năm liên tục kể từ năm 1990 trở lại đây.
Các chuyên gia tính toán, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ về tăng trưởng GDP là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%. Tuy vậy, cho đến nay dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng năm 2022 cũng chỉ là 6,5%.
Yêu cầu và áp lực là chưa từng có đối với việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.
Trong khi đó, kể từ đầu năm, khi tiến độ phủ vắc xin chống Covid-19 được đẩy nhanh, phần lớn các nước trên thế giới đã bắt đầu phục hồi kinh tế với các mức độ khác nhau trong khi nền kinh tế chúng ta vẫn còn giảm sâu. Vậy, làm sao chúng ta tận dụng những lợi ích do phục hồi kinh tế thế giới tạo ra?
Đến nay, các báo cáo vẫn cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp. Điều đó là đúng vì nền tảng hiện nay đã vững chắc hơn cách đây 10 năm. Vậy, kết quả của nền tảng đó là gì nếu chúng ta chậm đưa ra chương trình phục hổi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm tới?
Và nếu không có, hoặc chậm chạp hơn so với đa số quốc gia trên thế giới, thì hệ quả là vừa chịu lạm phát, khó giữ được ổn định vĩ mô, lại vừa lỡ nhịp phát triển với bên ngoài và khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm.
Tư Giang
Dẹp loạn ‘sân sau’ nhìn từ kit xét nghiệm mang tên Việt Á
Gần 1 tuần sau khi vụ "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty Việt Á và CDC Hải Dương bị khởi tố, dư luận vẫn chưa thôi xôn xao với nhiều câu hỏi.
from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/3mAnRax
via IFTTT
0 comments:
Post a Comment