Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao động

Hai ngành thâm dụng lao động nhất ở nước ta là dệt may và da giày, nơi tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động, đã trở nên khá tổn thương trước tác động của Covid-19. Đến lúc cần sự thay đổi.

Tác động của Covid-19

Đại dịch gây đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và sản xuất, thể hiện rõ trong 2 ngành thâm dụng lao động là dệt may và da giày.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 26,1 tỷ USD, tăng 5,5% - tương ứng tăng 1,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, đáng kể nhất là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 12,8 tỷ USD, tăng hơn 10%; sang EU đạt 2,6 tỷ USD, tăng chỉ hơn 1%; sang Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD, giảm 11%.

Với mặt hàng giày dép, xuất khẩu đã đạt trị giá 14,24 tỷ USD, tăng 5,2%, tương đương tăng gần 710 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường lớn là Hoa Kỳ đạt 5,98 tỷ USD, tăng hơn 18%; EU đạt 3,24 tỷ USD, tăng hơn 7%; Trung Quốc đạt 1,26 tỷ USD, giảm gần 26%... so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Các doanh nghiệp dệt may và da giày hiện mới chỉ tham gia ở công đoạn gia công, chưa tự chủ được nguyên vật liệu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Song, trước tác động của Covid-19 và phong tỏa tới 23 tỉnh, kim ngạch xuất khẩu giày dép quý 3 đạt 2,925 tỷ USD, giảm gần 48% so với quý 2; giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý 2, khi giảm 2,67 tỷ USD.

Những số liệu trên phản ánh, hai ngành thâm dụng lao động nhất đã trở nên khá tổn thương trước tác động của Covid-19 cả ở trong nước, lẫn trên bình diện quốc tế.

Trong những năm qua, dệt may và da giày luôn là những ngành xuất khẩu và tạo việc làm chủ lực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hai ngành này vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Một báo cáo nghiên cứu của Nhóm hợp tác công - tư vì sự phát triển bền vững ngành dệt may và da giày, khoảng 65% các nhà máy may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn nhận đơn hàng xuất khẩu theo phương thức Cut-Make-Trim (CMT). Theo đó, nhà máy chỉ gia công sản phẩm chứ không tham gia vào các khâu hạ nguồn có giá trị gia tăng cao hơn như mua nguyên vật liệu, xây dựng mẫu, hay thiết kế.

CMT không đòi hỏi phát triển nhóm kĩ năng phức tạp như tìm kiếm nguyên vật liệu, thiết kế, quản lý chuỗi cung ứng, cũng như không đòi hỏi nguồn lực tài chính quá lớn nhưng biên lợi nhuận của các đơn hàng CMT thấp. Đó là chưa kể các nhà máy thường phải ký hợp đồng thông qua các công ty trung gian. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ chịu rất nhiều rủi ro vì các công ty trung gian hủy, hoãn đơn hàng mà không báo trước, khiến nhiều nhà máy lâm vào khó khăn, thậm chí phá sản.

Bộ Công thương nhận xét, các doanh nghiệp (DN) dệt may và da giày hiện mới chỉ tham gia ở công đoạn gia công, chưa tự chủ được nguyên vật liệu cho ngành, đồng thời công đoạn thiết kế thời trang cũng như xây dựng, quản trị thương hiệu rất yếu kém. Điều này khiến giá trị gia tăng trong 2 ngành rất thấp.

Ngành dệt nhuộm kém phát triển khiến dệt may phát triển mất cân đối giữa 3 công đoạn chính trong chuỗi cung ứng là sợi - vải - may mặc. Trong khi sợi và may mặc tăng trưởng mạnh thì dệt nhuộm kém phát triển, không tương xứng với nhu cầu của ngành may mặc. Sợi sản xuất ra không tiêu thụ được ở trong nước mà phải xuất khẩu, trong khi hàng may mặc phụ thuộc phần lớn vào vải nhập khẩu. Điều này gây khó khăn cho các DN trong việc đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ khi các cam kết tự do hóa thương mại (CPTPP, EVFTA) có hiệu lực.

Mảnh đất hứa từ các FTAs

Trong CPTPP, các DN chỉ được lợi khi sản phẩm bảo đảm “từ sợi trở đi” được sản xuất tại Việt Nam, còn trong EVFTA và FTA Việt Nam - Nhật Bản, các DN được hưởng lợi khi “từ vải trở đi”.

{keywords}
Sản xuất hàng may mặc có xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết, muốn hưởng các ưu đãi thuế quan từ FTA đòi hỏi hàng dệt may phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về quy tắc xuất xứ theo từng hiệp định.

Gần đây, các cơ quan hữu quan đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày từ năm 2021-2030, định hướng 2035 với mong muốn thúc đẩy các DN đầu tư vào khâu dệt, nhuộm, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Góp ý cho dự thảo, chuyên gia Trần Hữu Huỳnh, nguyên Giám đốc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, cách đây khoảng 30 năm, Việt Nam đã có chiến lược cho ngành dệt may. “Tôi thấy nhiều ý tưởng trong dự thảo Chiến lược lần này gần giống trước đây. Trong đó, trọng tâm của ngành là làm thế nào để nội địa hoá và nâng cao hàm lượng Việt Nam. Tôi băn khoăn ở chỗ 30 năm trước đã đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50-70%, vậy mà bây giờ trong dự thảo lại chỉ đặt ra đạt khoảng 40-50%”, ông nói.

Trong khi đó, các DN trong ngành dệt nhuộm rất quan tâm tới dự thảo này. Giám đốc một nhà máy dệt nhuộm có vốn FDI nhận định: “Covid-19 khiến chúng tôi quan tâm hơn tới các nguồn sợi ngay tại Việt Nam thay vì nhập khẩu. Điều này giúp chúng tôi giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Chúng tôi đã kết nối với một số DN và mong muốn mở rộng sự kết nối này để tận dụng các FTAs thế hệ  mới của Việt Nam”.

Bộ Công thương nhận xét, dệt may và da giày nằm trong các ngành có dư địa thị trường nội địa lớn nhất trong các ngành công nghiệp do lợi thế dân số tương đối lớn, đồng thời mức sống và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, hai ngành này có cơ hội rất lớn khi thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Mặt khác, sản xuất hàng may mặc cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, qua đó tạo thêm cơ hội và nguồn lực mới cho các DN về cả tiếp cận vốn, thiết bị, công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, lao động có kỹ năng từ các nước phát triển.

Nhưng nếu chỉ nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất, hay chỉ thực hiện phương thức CMT, hai ngành này rất khó vươn lên trên chuỗi giá trị toàn cầu.

* Kỳ cuối: Công nghiệp hoá và tầm nhìn vượt lên nhiệm kỳ

Lan Anh

Khi mọi thứ đều phải nhập khẩu

Bài 2: Khi mọi thứ đều phải nhập khẩu

Nếu không tận dụng được cơ hội, VN cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới.



from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/3plFXxG
via IFTTT
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment