Kể từ khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine, dư luận thế giới nhanh chóng cảm nhận được sự hỗn loạn trên mặt trận thông tin.
Từ cuối thế kỷ trước, nhiều chuyên gia đã đi đến kết luận rằng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các tập đoàn lớn và xã hội sẽ mở rộng khả năng giải quyết các vấn đề chính trị bằng cách định hướng thông tin lên các chủ thể.
Khu trung tâm thương mại ở Kiev bị phá hủy sau một trận không kích của Nga. Ảnh: REX |
Trong thời đại hiện nay, với sự bùng nổ của Internet cùng với trí tuệ nhân tạo, các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ (Big Tech) như Google, Facebook, Twitter, YouTube... giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin cho người dân toàn thế giới.
Thiếu quá nhiều dữ liệu chính xác
Kể từ khi xung đột quân sự bùng nổ tại Ukraine, dư luận thế giới đã nhanh chóng cảm nhận được sự hỗn loạn trên mặt trận thông tin. Quả thực đã có sự “khấp khểnh” giữa phân tích quân sự về bước tiến của quân đội Nga trên chiến trường và các mạng xã hội thiên về những hình ảnh chết chóc của binh sĩ Nga khi đối mặt với sự kháng cự của Ukraine. Rất khó để biết thông tin nào là đúng, thông tin nào là giả hoặc thiên lệch.
Để cung cấp những thông tin chính xác về thực trạng của hai phía xung đột, các nhà phân tích phải rất thận trọng với nhiều giả định được đưa ra do còn thiếu quá nhiều dữ liệu chính xác, chẳng hạn mức độ hao tổn lực lượng, nguồn nhân lực và vật lực dự phòng, khả năng chiến đấu thực sự của cả hai bên.
Vậy các thông tin tràn ngập hiện nay cho thấy sức tiến công của quân đội Nga đến đâu và thực tế họ đang gặp những khó khăn nào?
Olivier Kempf, chuyên gia về Chiến lược an ninh mạng ở châu Âu nhận định rằng, dựa vào các yếu tố đã được phân tích thận trọng, quả thực người Nga đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt hơn nhiều so với những gì được dự liệu trong kế hoạch ban đầu.
Nguyên nhân có thể rất nhiều, từ tin tình báo yếu kém hoặc diễn giải sai, đến các khó khăn về thời tiết, hậu cần, liên lạc, phản kháng của người dân, bất ổn ở hậu phương. Cũng không thể bỏ qua việc trong giai đoạn đầu, Nga chỉ điều động các đơn vị ít kinh nghiệm chiến đấu nhưng lại đặt mục tiêu hạ gục nhanh đối thủ.
Tuy nhiên, khác với các thông tin trên truyền thông, có rất nhiều điều còn chưa chắc chắn, khiến cho việc xác định mức độ thiệt hại của mỗi bên không đơn giản, nhất là khi bắt đầu xung đột, cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía Nga. Chưa thể dự đoán ai sẽ nhượng bộ trước.
Trở lại với diễn biến chiến sự, nhiều hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, gồm cả mạng xã hội, cho thấy có vẻ như Nga bị tổn thất rất nhiều về phương tiện chiến tranh, cụ thể về số trực thăng hoặc máy bay chiến đấu bị bắn rơi. Điều này có thực sự tương ứng với lợi thế của Ukraine trong cuộc chiến?
Không quân Nga chắc chắn đã chịu nhiều tổn thất hơn dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu. Lực lượng này chưa thể làm chủ bầu trời ngay cả khi máy bay hoặc trực thăng của Ukraine xuất hiện không nhiều. Sức kháng cự của Ukraine dường như không thể làm nên điều kỳ diệu. Mặt trận Donbass hiện rất mong manh, trong khi vòng vây đối với Kiev vẫn được siết chặt.
Các lực lượng Ukraine có vẻ như thiếu năng động. Nếu Nga chịu tổn thất thì Ukraine cũng bị tiêu hao lực lượng.
Có điều là tổn thất của Ukraine ít được kể lại và lan truyền. Điều này trước hết có thể do người Ukraine không muốn truyền thông hóa những gì tác động xấu đến tinh thần chiến đấu. Cũng còn do liên quan trực tiếp đến hoạt động tác chiến, bởi các hình ảnh thường được định vị địa lý, cho phép xác định được địa điểm giao tranh.
Một thực trạng nữa được thấy từ cuộc xung đột này, đó là việc cắt đứt thông tin từ Nga. Nói đúng hơn là đang có một sự phong tỏa thông tin từ cả hai phía nhằm ngăn cản việc tiếp cận thông tin mở và đáng tin cậy từ phía bên kia.
Tuy Moscow có toàn quyền kiểm soát thông tin trên lãnh thổ của mình, nhưng chính các lệnh cấm của châu Âu đối với các phương tiện truyền thông chính thức ở Nga cũng góp phần làm nên bức tranh mờ mịt này.
Không chỉ báo giới mà ngay cả giới phân tích quân sự cũng gặp rất nhiều "điểm mù".
Người dân cũng làm truyền thông
Sự rút lui của các tập đoàn phương Tây, đặc biệt là GAFA (Google, Apple, Facebook và Amazon) hoặc thậm chí là sự đoạn tuyệt quan hệ ở nhiều cấp độ (giới nghệ sĩ, nhạc sĩ hoặc nhà khoa học Nga) càng làm cho “bức rèm sắt” thông tin mà hai bên dựng lên thêm dày. Chính điều này đã khiến phần còn lại của thế giới tỏ ra rất thận trọng.
Điểm đáng chú ý là các thông tin của Ukraine về cuộc chiến đang diễn ra, được truyền tải theo thời gian thực, không chỉ là kết quả của một chiến lược ban hành từ trung ương, mà còn bắt nguồn từ vô số người dân vô danh, liên tục quay phim và phát sóng những hành động phản kháng hàng ngày của họ nhờ mạng điện thoại vẫn đang hoạt động.
Người dân Ukraine cho thấy nỗ lực của họ, như thu nhặt chai rỗng để sản xuất bom xăng, hay như vào hôm 2/3, trong khi Kharkiv bị nghiền nát dưới một trận mưa bom, người dân đã ghi lại cảnh chặn đường dẫn đến nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Enerhodar để ngăn cản lực lượng Nga tiếp cận.
Người dân sơ tán khỏi tòa nhà sau vụ tấn công ở Ukraine. Ảnh: Reuters |
Về phần mình, Moscow hầu như không có hành động đáp trả. Lý do là vì ở Nga đã có lệnh không được nói đến chiến tranh. Bên cạnh đó, ngày 4/3, cơ quan quản lý truyền thông của Nga - Roskomnadzor - cho biết họ đã chặn các trang web của nhiều hãng truyền thông phương Tây với cáo buộc thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine.
Cơ quan quản lý của Nga nói rằng các cơ quan truyền thông phương Tây đã tung tin thất thiệt về “bản chất của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, về hình thức của chiến dịch, các phương pháp tác chiến (nào là tấn công vào dân cư, nào là tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự), về tổn thất của lực lượng vũ trang Nga và các nạn nhân dân sự”.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấm các hãng truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát như Russia Today và Sputnik. Facebook thuộc Meta, Google thuộc Alphabet, YouTube và TikTok đều đã chặn việc truy cập vào RT và Sputnik ở EU. Twitter cho biết họ sẽ tuân thủ lệnh cấm của EU.
Mặc dù dường như Ukraine đã chiến thắng trên mặt trận truyền thông, song dĩ nhiên là cuộc chiến này cũng có một vài lệch lạc, với việc lưu hành những thông tin không thể kiểm chứng được. Ví dụ những huyền thoại đầu tiên trên Twitter và Instagram về “bóng ma Kiev”, một phi công Ukraine được cho là đã bắn rơi 5 máy bay của Nga ở thủ đô Kiev trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột.
Dẫu sao thì cho đến lúc này, thế giới vẫn dành cảm tình nhiều hơn cho Ukraine.
>>> Tình hình chiến sự tại Ukraine
Việt Hoàng
Cục diện quan hệ Nga - Trung - Mỹ giữa chiến sự ác liệt tại Ukraine
Cuộc chiến Nga - Ukraine được xem là xung đột địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Nó tạo nên bước chuyển mới trong cục diện quan hệ giữa 3 cường quốc.
from Tuần Việt Nam - tin tiêu điểm, tin đa chiều Vietnamnet https://ift.tt/7Uoc458
via IFTTT
0 comments:
Post a Comment